Khái niệm chính Chương_trình_con

Kỹ thuật lập trình dẫn đến việc tổ chức chương trình kiểu cấu trúc modul hóa, tức là chia chương trình thành nhiều modul hay đơn vị mà kỹ thuật điện toán gọi là subroutine, và trong trình chính thì thực hiện gọi chúng [2][3]. Nó đem lại cho người lập trình các lợi ích:

  1. Thay các đoạn trình giống nhau bằng một subroutine, làm cho mã chương trình ngắn hơn, sáng sủa và dễ bảo dưỡng.
  2. Đưa các subroutine đã kiểm tra vào thư viện (library) ở dạng văn bản trình hoặc dạng mã [4], để khi lập trình mới thì chỉ cần liên kết tới thư viện đó.
  3. Những chương trình lớn được thiết kế dạng cấu trúc tốt có thể trao cho các nhóm và người lập trình khác nhau lập trình, đôi khi có thể thuê người làm thêm viết các subroutine không quá phức tạp.

Do tầm quan trọng của việc tổ chức trình kiểu cấu trúc mà ngay từ khi công nghiệp máy tính ra đời, còn phải lập trình ở dạng mã máy, giới chế tạo máy đã chăm chút nhiều đến lệnh call và tổ chức của chương trình con. Nếu giải mã ngược (unassemble) mã trình thì thấy dày đặc lệnh call.

Bên cạnh các subroutine thực sự thì một số ngôn ngữ lập trình, kể cả lập trình hợp ngữ, hỗ trợ dạng chương trình con (trong văn bản trình) mà khi dịch thì thay thế bằng đoạn mã chương trình, không tạo ra subroutine dạng mã thật sự.

  • Macro: Dịch nội dung có trong macro có tên chỉ định và đặt vào vị trí tương ứng.
  • Inline: Chuyển nội dung mã được viết ở dạng hex trong procedure có tên chỉ định và đặt vào vị trí tương ứng.